Hôm nay, mình sẽ hướng dẫn cài Windows 11 bằng USB từ A đến Z, từ A đến Z tức là mình sẽ dùng kinh nghiệm cài Win 11 của mình để hướng dẫn các bạn cho dù là cài Windows 11 lần đầu cũng sẽ cài được. Hướng dẫn này bao gồm hình ảnh và video hướng dẫn để giúp bạn cài đặt Windows 11 theo chuẩn UEFI.
Trong bài này mình sẽ hướng dẫn cài trên máy có đủ điều kiện cài Windows 11, với những máy không đủ điều kiện thì mình sẽ hướng dẫn trong bài viết sau.
Chuẩn bị trước khi cài Windows 11
- USB có dung lượng 4GB, nếu cài cho máy khác hoặc mượn máy người khác tạo USB do máy đang lỗi Windows không vào được thì phải 8GB trở lên. Tốt nhất là USB 3.0 của Sandisk.
- Bạn hãy tải bộ cài Windows 11 tại đây về máy, Win 11 chỉ có phiên bản 64-bit thôi.
- Cần tải Anhdv Boot về máy để tạo WinPE cài đặt trên USB. Mình có share bản anhdv boot Premium nhé!
- Sợ thiếu Driver mạng thì bạn tải 3dpnet về máy. Thường thì Win 11 nó tự nhận mạng ngay.
Cấu hình cài đặt Windows 11.
- Chip cpu thế hệ mới, với intel thì tốt nhất là gen 8 trở lên.
- Bật Trusted Platform Module (TPM) 2.0 trong BIOS.
- Ổ cứng SSD cài Windows 11 phải từ 64GB trở lên.
- Tốt nhất cài ở chế độ UEFI.
Tạo USB cài Win 11 với Anhdv Boot
Ngay sau khi tải được Anhdv Boot 2021 về máy, bạn tiến hành cắm USB vào máy. Bạn mở This PC ra di chuột vào USB bấm chuột phải chọn Format, file system bạn để FAT32 rồi bấm Start (nhớ tích Quick format).
Nó hiện ra cảnh báo bấm OK, khi nào nó hiện Format complete là xong.
Bây giờ bạn tiến hành giải nén anhdv boot ra 1 thư mục, bạn vào thư mục vừa giải nén anhdv boot chọn file one click > chuột phải Run as Administrator.
Khi nó hiện ra chọn ngôn ngữ mình bấm số 1 và bấm Enter để chọn Vietnamese.
Nó sẽ hiện ra danh sách các ổ cứng và USB có trong máy tính, như ở trong hình thì USB 32GB Sandisk của mình nó ghi số 3 thì mình bấm 3 và Enter.
Nó sẽ hỏi bạn có muốn tạo USB Anhdv boot với phân vùng ẩn không? bấm Y để đồng ý và bấm N để không tạo boot với phân vùng ẩn.
- Nếu bạn cài Windows 11 trên chính cái máy tính đang tạo USB thì chọn N vì chúng ta không cần copy file Windows 11 đuôi ISO vào USB.
- Còn nếu dùng máy A tạo USB cài Windows 11 cho máy B thì phải bấm Y để nó tạo ra thêm 1 phân vùng NTFS nữa ở USB để copy file ISO của Win 11 vào cài nhé!
Ở đây mình bấm Y và enter. Nếu bấm N enter thì các bước sau nữa cũng chỉ bấm Y hoặc enter để tạo USB mà thôi, không cần phải tùy chỉnh gì nữa.
Sau đó nó kêu nhập dung lượng thì mình cứ thế bấm Enter. không cần nhập gì.
Nó hiện ra cảnh báo thì bạn bấm Y và Enter.
Sau đó bạn hãy chờ nó tạo cái USB, đợi nó hiện ra đã tạo xong thì bạn thoát ra.
Nếu là máy A tạo USB để cài Win 11 cho máy B thì bạn cần copy file ISO của Windows 11 vào USB với phân vùng tên là USB-Data. Còn nếu là máy mình tạo USB để cài cho máy mình luôn thì để file ISO của Win 11 vào ổ Dữ liệu là được, ví dụ ổ D hoặc E.
Copy xong thì bạn cần kiểm tra xem máy đã bật TPM 2.0 chưa bằng cách ra ngoài Desktop > chuột phải Manage > Device Manager. Nếu có mục Security Devices thì mở ra sẽ thấy.
Làm theo như hình, nếu thấy phần Security devices là máy của bạn đã bật TPM 2..0 rồi nhé!
Nếu không có phần đó thì máy của bạn chưa bật TPM, bạn cần vào BIOS để Enable.
Cách bật TPM trong BIOS
Bạn cần vào BIOS của máy tính để bật TPM 2.0 lên, nếu không biết phím tắt thì hãy xem bài này để vào BIOS, như mình dùng Gigabyte thì bấm phím Del, nếu bạn dùng máy Dell thì bấm F2. Tiện thể bạn hãy xem luôn phím vào boot menu nữa.
Bạn hãy mở hết toàn bộ các phần trong BIOS ra, chỉ cần thấy mục có chữ Platform Trust thì bấm vào chọn Enabled để kích hoạt TPM 2.0 nha.
Với các máy khác không có thì bạn vào mục Trusted Computing để bật nhá. Đối với Gigabyte thì làm xong các bạn bấm F10 để save bios và khởi động lại.
Video cài Windows 11 bằng USB
Nếu xem hướng dẫn bằng hình ảnh chưa hiểu thì bạn hãy xem video này, nếu xem mờ thì chỉnh độ phân giải video cao lên nhé!
Bật loa lên vì mình có thu âm.
Cách cài Windows 11 bằng USB
Bạn hãy cắm USB vào máy cần cài Win 11, máy case thì cắm vào đằng sau rồi khởi động máy tính lên, khi logo hãng hiện ra bạn nhanh tay bấm phím tắt vào boot menu, ở đây mình dùng Gigabyte thì bấm F12, Dell thì cũng là F12 nhá.
Sau khi bấm nút F12, nó sẽ hiện ra danh sách boot, mình chọn cái có chữ UEFI USB và bấm Enter.
Nó sẽ load vào Win 10 PE, bạn hãy chờ nó tầm 20 – 30s để máy bạn boot vào winpe nhé. Vào xong bạn hãy mở Partition Wizard 12 để xem ổ cứng là GPT chưa đã.
Nó hiện ra các phân vùng mà ổ cứng máy tính đang có, nếu nó hiện MBR như hình thì phải convert sang GPT, nếu nó hiện GPT rồi thì bạn thoát ra. Không cần convert nữa.
Để convert ổ cứng sang GPT, bạn click vào chữ MBR bấm chuột phải chọn “Convert MBR Disk to GPT Disk” Nếu máy tính gắn 2 hay 3 ổ cứng thì bạn tiếp tục convert các ổ còn lại, chỉ chừa lại cái USB đang là MBR thì bạn kệ nó thôi.
Làm xong bạn bấm Apply để áp dụng thay đổi.
Nó hỏi bạn có muốn thực hiện thay đổi không? chọn Yes.
Đợi nó chạy xong có chữ Successfully là thành công.
Bạn bấm OK và thoát Partition Wizard 12 ra nha.
Bây giờ bạn hãy mở This PC (trong WinPE để tên là anhdvboot có icon computer đó) ra, sau đó bạn hãy nhìn ổ cài Windows dung lượng là bao nhiêu.
Sau khi đã ghi nhớ là 70GB, giờ bạn vào phân vùng USB-DATA copy cái file ISO Windows 11 kia vào ổ Dữ liệu trong Windows, ví dụ ổ D hoặc E.
Sau khi copy xong bạn hãy click mở thẳng file Windows11.iso kia rồi bấm mở file setup.exe
Giờ bạn đúp chuột mở chạy file setup.exe nhé!
Giao diện cài đặt Windows 11 hiện ra. Phần Time bạn chọn Việt nam, keyboard chọn US rồi bấm Next.
Sau đó bạn bấm chọn vào nút Install now.
Chờ một tí nó hiện ra Activate Windows, bạn hãy chọn i don’t have a product key.
Bạn chọn Windows 11 Pro và bấm Next.
Nó hiện ra điều khoản sử dụng, bạn tích chọn vào ô đồng ý rồi bấm Next.
Tới bước này nó cho bạn chọn cách cài đặt, bạn chọn Custom nhé!
Danh sách các phân vùng có trên ổ cứng máy tính sẽ hiện ra, bạn hãy chọn cái phân vùng sấp sỉ 70GB kia, nó chính là ổ cài win, sau đó bấm Delete.
Khi nó hiện ra cảnh báo bạn bấm vào nút OK để tiếp tục xóa.
Sau đó bạn lại chọn phân vùng 100MB có chữ System, phân vùng 16MB có chữ MSR cũng xóa nốt nhé, nếu có phân vùng có chữ Recovery cũng xóa tiếp, phải xóa hết mới sạch được, chỉ để lại phân vùng của ổ Dữ liệu kiểu như ổ D và E thôi.
Sau khi xóa xong phân vùng cài Win sẽ biến thành Unallocated Space, bạn chọn vào phân vùng đó và bấm Next để cài đặt Windows 11 ngay thôi.
Bấm Next xong nó đang cài win 11 vào ổ cứng đó, bạn chờ nó chạy đến 100%.
Khi nào nó hiện 10 giây đếm ngược, bạn đợi nó chạy về 0s và tắt màn hình thì bạn phải nhanh tay rút luôn USB cài Windows ra nhé!
Sau khi máy tính của bạn tự khởi động lại, bạn không cần làm gì cả, đợi nó hiện ra hình như bên dưới thì chọn Vietnam và bấm Yes.
Nó cho bạn chọn bàn phím, bạn để US và bấm Yes.
Tới đây nó hỏi bạn có chọn bàn phím khác không bạn bấm skip để bỏ qua.
Đặt tên cho máy tính, bạn bấm Skip for now nhé!
Bạn chọn vào Set up for personal use rồi bấm Next.
Khi nó bắt bạn đăng nhập tài khoản Microsoft thì bạn bấm vào Sign-in options.
Sau đó bạn bấm chọn vào Offline account.
Để tiếp tục, bạn bấm Skip for now.
Nó sẽ bắt bạn tạo Username cho máy tính, bạn điền tên viết liền vào và bấm Next.
Bước tạo mật khẩu mở máy tính, bạn để trống không điền gì cả rồi bấm Next.
Bạn bỏ tích hết toàn bộ các mục nó đã chọn, rồi bấm Accept.
Như vậy là xong rồi đó, bạn chỉ ngồi chờ hoặc đi uống cafe rồi đợi nó lên Win thôi nhá!
Nếu thiếu driver thì cách nhanh nhất là mở Windows update lên và chạy là nó sẽ tự cài full cho nhá.